Nếu như sự cố xảy ra ở ngay tại nhà mình hoặc nơi chỉ có 1 mình mình thì có thể sẽ chẳng đáng lo ngại. Nhưng nếu nó xảy ra nơi công cộng hoặc chốn đông người thì đúng là đau đớn vô cùng. Còn gì trớ trêu hơn khi vừa trút bỏ gánh nặng nơi đũng quần xong mới phát hiện nhà vệ sinh hết giấy?! Vấn đề này từ lâu đã trở thành chuyện thường tình mà ai trong đời cũng ít nhất 1 lần mắc phải. Ừ thì ai cũng biết phải nhìn trước ngó sau trước khi hành sự xem trong phòng đã có đầy đủ giấy tờ chưa rồi hẵng ngồi xuống. Nhưng phải những lúc nguy cấp nào có ai đủ tỉnh táo hoặc có thời gian để ý. Và nếu không phải gấp gáp gì thì cái sự chủ quan luôn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cơ sự này.
Ông bà mình có câu “Bình tĩnh lúc nguy nan, ôn tồn khi tức giận”. Cứ bình tĩnh! Dưới đây là 10 cách có thể giúp bạn đối phó với tai nạn trên:
Cách 1: Cầu cứu
Cách 2: Đối phó
Hãy để ý quan sát xung quanh, bạn sẽ thấy có vô vàn vật dụng hữu ích có thể tạm thời giải thoát bạn khỏi tình thế hiểm nghèo: 1 cái giẻ lau sàn nhem nhuốc, 1 đôi dép đi trong nhà cũ kỹ… hoặc cùng lắm là mở thùng rác moi lại những mẩu giấy dùng rồi. Tuy có bẩn 1 tí nhưng ở dơ sống lâu, méo mó có hơn không. Từ kinh nghiệm thương đau, ta sẽ càng trưởng thành hơn và lớn lên cùng năm tháng.
Cách 3: Tận dụng
Đừng vội giật mình hay hốt hoảng khi cái thứ mình cần thì không thấy đâu mà tất cả những gì bạn còn là cái lõi tròn tròn nâu nâu nằm chình ình trước mặt. Cứ bình tĩnh xé lõi giấy ra thành 1 mảnh chữ nhật và bẻ thẳng để gia tăng diện tích tiếp xúc. Cần lưu ý thấm ướt mảnh giấy trước khi dùng để tăng độ mịn cho bề mặt, giảm ma sát và tạo cảm giác dễ chịu trong quá trình sử dụng.
Cách 4: Hy sinh
Trường hợp không có vật dụng thay thế ở ngoài, bạn có thể tận dụng ngay nội y hoặc tất đang mang trên người để cứu nguy khi khẩn cấp. Sau khi hành sự, bạn có thể vứt bỏ chúng vào thùng rác. Nếu thấy tiếc hoặc đó là kỷ vật của 1 ai đó quan trọng, hãy gấp gọn nội y hoặc lộn trái tất đã sử dụng, khéo léo nhét chúng vào túi quần / túi áo / túi xách rồi mang về nhà giặt sạch là bạn đã có thể tái sử dụng nhiều lần với độ bền và thời gian lâu nhất.
Cách 5: Nhanh tay
Còn gì tiện hơn khi sử dụng ngay chính 5 ngón tay ngoan của mình để giải quyết vấn đề. Chỉ cần 1 chút can đảm, sự cố sẽ được giải quyết ngay trong tích tắc.
Cách 6: Nhanh chân
Đọc đến đây chắc có người sẽ nghĩ cách này giống cách trên, chỉ thay vì dùng tay chùi thì lần này dùng chân chùi. Thật ra không phải vậy đâu! Nếu thích các bạn có thể làm thử nhưng nói trước là tư thế sẽ rất khó coi, chưa kể không cẩn thận có thể trượt chân gây thương tích không đáng có, thậm chí là chết người. Mà nhiều khi cái vết thương thể chất nó không đau bằng cái sự nhục khi bị mọi người phát hiện nguyên nhân gây nên tai nạn. Vì vậy, các bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện.
Nhanh chân ở đây mang nghĩa chạy nhanh ra chỗ vòi nước (hoặc vòi sen, miễn là nguồn nước) gần đó để giải tỏa niềm đau chôn giấu.
Cách 7: Chịu chơi
Có thể bạn không bao giờ ngờ rằng mình sẽ tìm thấy rất nhiều thứ hữu ích trong ví tiền của mình. Vài tờ bạc lẻ, danh thiếp của sếp hay hình người yêu cũ… có thể hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, cần cẩn thận khi dùng những vật liệu cứng như đồng xu, CMND, bằng lái xe hay thẻ ngân hàng để quẹt vì rất dễ gây thương tích cho vùng da nhạy cảm.
Nếu không đang tâm sử dụng những giấy tờ trên, nắp pin điện thoại di động có thể là 1 sự lựa chọn độc đáo mà ít người nghĩ đến.
Cách 8: Liều mạng
Cạnh tường có thể là 1 sự lựa chọn không tồi đối với những ai thích sự mạo hiểm và cảm giác mạnh. Cần lưu ý kiểm tra thật kỹ khu vực thực hiện có vướng đinh, vết nứt hoặc vật liệu sắc nhọn còn sót lại trước khi tiến hành. Không những thế, kết quả sẽ đem lại mỹ quan không đẹp cho khu vực vệ sinh sau khi thực hiện. Tuy nhiên, nếu đó không phải toilet của bạn thì sao phải xoắn?!
Cách 9: Chịu đựng
Sau khi xem xét tất cả các cách giải quyết phía trên mà vẫn không tìm ra giải pháp phù hợp, bạn vẫn còn 1 phương án khả thi, đó là kéo quần lên và sải bước tự tin cho ngày hè năng động.
Cách 10: Chuẩn bị trước
Để tránh xảy ra sự cố, không cách nào hiệu quả hơn sự chuẩn bị trước khi sự việc xảy ra. Một bịch khăn giấy khô hoặc ướt thủ sẵn trong người sẽ là điều lý tưởng.
Nhưng trong trường hợp không có khăn giấy, bạn có thể sử dụng các chất liệu giấy khác như giấy báo, giấy vở… để sống sót qua cơn hiểm nghèo. Nên lựa chọn chất liệu mềm, độ dai vừa phải, thấm hút cao và ngăn thấm ngược trở lại để tự tin khô thoáng cả ngày. Trước khi dùng cần lưu ý vò nát để tăng độ mềm cho chất liệu.
Cần tránh các chất liệu cứng, trơn láng, không thấm nước như giấy kính, bìa tạp chí sẽ gây khó khăn khi thao tác và dễ làm trầy xước da; hoặc quá mềm mỏng như biên lai, hóa đơn rất dễ rách trong quá trình sử dụng.
Trường hợp tình thế đã rất nguy cấp và bạn không còn thời gian để chuẩn bị, hãy mạnh dạn gõ cửa nhà hàng xóm để xin 1 cuộn giấy hoặc 1 tờ báo trước khi mọi thứ quá muộn.
Chúc các bạn thành công!