Sáng hôm đó, người ta vẫn thấy anh dắt chiếc xe máy quen thuộc ra khỏi nhà, tay cầm chiếc mũ bảo hiểm rồi đứng đợi vợ khóa cửa. Khi chị ra, anh vẫn trìu mến đội mũ lên đầu cho vợ, tự tay cài quai mũ. Lần nào cũng vậy, anh đều quay lại hỏi: “Xong chưa em, anh đi nhé” trước khi phóng xe máy vút đi… Hình ảnh đó, ngót 10 năm rồi cả khu phố này ai cũng thấy quen thuộc. Nhưng khác với mọi lần, nếu thấy cảnh ấy vào mỗi sáng sớm, người ta sẽ lại tếu táo trêu: “Đôi bồ câu đi làm đấy hả?”, còn hôm nay, ai nấy đều giấu một cái nhìn ái ngại. Chẳng ai dám hỏi điều gì, cũng không ai dám gọi với theo. Mọi người lặng lẽ khép cánh cửa nhà mình lại để không làm anh chị phải ngại khi thấy có người nhìn theo mình.
Bởi vì hôm nay, anh chị không đi làm, mà đi tới tòa án để… ly hôn.
Anh chị làm vợ chồng với nhau đến giờ cũng được gần 10 năm rồi. Tổ ấm nhỏ bé đó sẽ trở thành một nỗi ước ao với bao người nếu như nó trọn vẹn hơn bằng việc có thêm tiếng cười con trẻ. Gần 10 năm, anh chị sống mà không có lấy một câu gằn hắt nhau. Mỗi lần nhìn anh chị, người ta đều cảm giác thấy dường như anh chị đang vội vã yêu chỉ vì sợ ngày mai biết đâu có điều gì thay đổi. Thế mới nói anh chị khiến nhiều người ngưỡng mộ và ghen tị vì tình yêu quá lớn dành cho nhau.
Nhưng ngôi nhà đó vẫn có một thứ khiếm khuyết, mà lớn là đằng khác. Gần 10 năm anh chị vật lộn đi chữa trị khắp nơi để cầu mong ông trời thương tình cho mình một mụn con. Nhưng sự mong mỏi ấy gần như vô vọng khi bác sĩ kết luận chị không có khả năng sinh con. Nỗi đau cứ lớn dần, nó lớn ngang với tình yêu mà anh chị dành cho nhau.
Anh là con độc nhất trong một gia đình. Trách nhiệm nối dõi của anh không có cách nào giũ bỏ được. Gần 10 năm, bố mẹ anh cũng nín nhịn chờ đợi anh chị có cách giải quyết nào tốt hơn cho tương lai sau này của cả một dòng họ. Nhưng ngoại trừ việc anh chị vẫn hạnh phúc, vẫn yêu nhau say đắm thì chẳng có một biến chuyển nào tích cực.
Cho tới một buổi tối mùa đông, ngồi trong căn phòng ấm áp, chị không ngừng tay đan chiếc khăn len màu xanh:
– “Anh này…”
Anh ngừng việc đọc cuốn sách còn dang dở, ngước lên nhìn chị:
– “Sao thế em?”
– “Mình ly hôn đi”
Tay chị vẫn đan nhanh thoăn thoắt, đôi mắt chị vẫn chăm chút nhìn vào từng mũi đan, gương mặt, ánh mắt của chị chẳng chút ưu tư, buồn thảm. Sự dửng dưng của chị làm anh thấy sợ:
– “Sao lại như thế? Anh không hiểu? Em bị áp lực từ phía gia đình anh đúng không? Anh không muốn thì không ai bắt được. Rồi chúng ta sẽ xin con nuôi”.
Chị chỉ ngừng lại khi cuộn len hết sợi. Chị ngước lên nhìn anh trìu mến:
– “Không phải áp lực từ phía ai, cũng không phải hờn giận hay oán thán. Em nghĩ đã đến lúc rồi thôi. Cuộc sống vốn như vậy, đừng cố gắng vì những điều không thể để rồi cả hai đều bị thương. Em quyết định rồi đấy. Nếu anh yêu em thì anh đồng ý đi. Đừng để cả đời em phải sống trong nỗi dày vò. Không thể có con đã là một điều đau đớn nhưng nếu bắt người mình yêu cũng phải chịu cùng đau đớn đó thì còn tồi tệ hơn nữa. Ly hôn em không đau khổ mà tìm cho mình những điều lí thú khác thay vì ngồi bên anh và cảm thấy tội lỗi. Còn anh, anh có thể tìm cho mình một cơ hội khác”.
Câu chuyện của buổi tối hôm đó cuối cùng được thực hiện. Anh không phải kẻ dứt tình nhanh chóng nhưng anh hiểu cảm giác mà vợ mình phải trải qua. Vì hiểu, vì yêu nên anh mới quyết định làm theo vợ mình mong muốn. Không phải để hi vọng tìm được người khác cho mình mà là để vợ được giải thoát khỏi những áp lực mà bao năm qua cô ấy phải chịu.
Đêm trước hôm ra tòa, anh chị vẫn nằm bên nhau, anh vẫn ôm chị suốt đêm như không hề có chuyện chia ly của ngày mai…
Ở tòa, trước khi chính thức ly hôn, người ta hỏi anh chị có gì muốn nói với nhau không, anh chị nhìn nhau trìu mến. Và rồi anh lặng lẽ bước đến gần chị, anh đặt lên môi chị một nụ hôn. Chị khẽ nhắm mắt và đón nhận, như tuổi 20 chị yêu anh lần đầu.
Chị nói: “Cảm ơn anh vì đã yêu em, cảm ơn anh vì đã đồng ý ly hôn để em không còn bị bủa vây bởi những cảm giác đầy tội lỗi”.
Anh chị bước ra khỏi tòa. Lần này, chị gọi một chiếc taxi còn anh thì lầm lũi dắt chiếc xe máy quay về. Hai người rẽ về hai hướng khác nhau…
Đôi khi cuộc đời vẫn có những nghịch lí như thế. Kiểu như là hôm nay, những người ở tòa chứng kiến một nụ hôn tại phiên tòa ly dị. Tình yêu đôi khi cũng nghịch lí như thế, chia tay không phải hết yêu mà là yêu nhiều đến độ dám xa nhau để người kia không đau khổ.
St.