Hãy đọc khi còn trẻ nhé!

160

Câu chuyện bắt đầu ở một chung cư có 80 tầng.

Có 2 anh em sống trên tầng 80 của một chung cư cao ngất, một ngày kia về nhà sau một ngày làm việc họ choáng váng nhận ra thang máy của chung cư đã bị hỏng mất rồi. Họ buộc phải leo bộ lên căn hộ của mình. Ban đầu họ lưỡng lự nhưng rồi sức trẻ và sự háo hức khám phá những căn nhà mà trước đây chưa bao giờ thấy vì suốt ngày chỉ đứng trong thang máy, thế là họ hăm hở leo lên bằng sức trẻ của mình.

Đến tầng 20 họ thở hổn hển vì mệt mỏi, họ quyết định để lại túi xách của mình tại đó và sẽ quay lại lấy vào ngày hôm sau. Khi lên đến tầng 40, người anh bắt đầu lầm bầm và sau đó là cãi nhau, ban đầu chỉ là sự than thở vì sự lựa chọn nơi ở mà không nghĩ đến chuyện thế này có thể xảy ra. Lâu dần họ lôi những tật xấu của nhau ra để phơi bày như chưa bao giờ được nói, họ vừa tiếp tục những bước chân nặng nề của mình,vừa cãi nhau đến tầng 60.

Bỗng họ chợt nhận ra rằng chỉ còn 20 tầng nữa thôi, họ quyết định ngừng cãi nhau và cùng leo lên trong sự im lặng và bình an giả tạo. Họ im lặng leo lên và cuối cùng cũng lên đến căn hộ của mình. Đến nơi họ chợt phát hiện họ đã để quên chìa khóa trong túi xách lúc nãy, để lại ở tầng 20.

Một câu chuyện giản đơn mang một thông điệp không hề đơn giản:

20 năm đầu cuộc đời, là lứa tuổi của sự hồn nhiên, của hi vọng và lạc quan. Chúng ta không chỉ mang trên vai kì vọng về ước mơ của cha mẹ, ông bà, người thân mà cả những hình ảnh tốt đẹp nhất vẫn luôn đâu đó trong mỗi suy nghĩ giấc ngủ.

Xem một bộ phim về siêu nhân nào đó, ta cũng thường mơ ước một ngày được bay trên đôi cánh dũng mãnh. Nhìn thấy một doanh nhân thành đạt, ta cũng hình dung tới một ngày biệt thự, chiếc xe sang trọng kia không còn là xa lạ. Cứ như thế ta bước đi háo hức và chờ đợi được khám phá.

20 tuổi, ta sẽ bắt đầu cho những lựa chọn, lựa chọn có thể là của ta nhưng cũng có thể là của ba mẹ, người thân hoặc của một ai đó. Dẫu của ta hay của ai đó, thích hay không ta cũng bắt đầu thực dụng hơn để sống với lựa chọn này bỏ lại sau lưng những hoài bão, những ước mơ của ngày xưa. Ta hăm hở đi tiếp cuộc hành trình của cuộc đời.

40 tuổi, cột mốc để mỗi chúng ta cảm nhận được giá trị của bản thân mình. Thành công, chưa thành công, không thành công khi đó đã rõ ràng. Và như chúng ta thấy về câu chuyện ngôi nhà 80 tầng, đâu đó sự vô tình trách móc đã xảy ra với chúng ta. Tìm kiếm lí do để biện hộ, kiếm những hoàn cảnh để biện minh cho bản thân dường như đã là thói quen. Và cứ như thế từ cái tuổi 40, ta càu nhàu bước tiếp cuộc sống của mình.

60 tuổi, cảm giác bình yên giả tạo che đậy sự bất lực. Và im lặng thường là giải pháp. Có bao giờ bạn thấy những cụ già ngồi trầm tư bó gối kể về những ngày xưa trong sự hoài niệm khôn nguôi bất lực và chấp nhận sống tiếp quãng đời còn lại. Và dường như điều đó vẫn chưa phải là điều khủng khiếp lắm.

80 tuổi, ta cứ cho là cuộc đời của mình kết thúc ở đây. Và hơn bao giờ hết, khi cận kề cái chết ta mới nhận ra một cách thảng thốt. Những gì ý nghĩa nhất của cuộc đời ta đã bỏ quên từ những năm 20 tuổi.

Bỏ quyên hay chính xác hơn, ta đã không dũng cảm để sống cuộc sống của chính mình. Dường như mỗi chúng ta ai cũng sống cuộc sống của một ai đó, có thể là của cha mẹ: Con phải học trường này, ba mẹ muốn thế, và vì ba mẹ thương con nên mới làm thế. Có thể là của người thân, học cái này mới có thể thành công, cũng có thể là của một bộ phim nào đó mà ta hâm mộ.

Ai cũng muốn chúng ta như thế này như thế kia, có thể là vì lòng tốt, có thể là vì sự trải nghiệm họ khẳng định điều đó. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm hay chính xác hơn ai sẽ chịu đựng để lỡ cuộc sống không như hình dung hay khi ta thất bại, họ liệu sẽ chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra đối với chúng ta không? Có cam tâm không khi chúng ta không phải là người lựa chọn nhưng chúng ta lại phải chịu kết quả của sự lựa chọn ấy?

Bình luận