Bài viết dưới đây là của Jason Fried – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty chuyên về ứng dụng phần mềm Basecamp. Jason đồng thời cũng là một diễn giả tại Hội nghị chia sẻ ý tưởng TED.
Jason Fried
Tôi đã từng là người có cái đầu “nóng”. Khi nghe người khác nói chuyện, dù về bất cứ điều gì, tôi cũng luôn nghĩ cách phản kháng. Tôi sẽ quyết liệt “đập” bất cứ ý tưởng nào không giống với nhân sinh quan của mình.
Cách cư xử đó khiến người khác có ấn tượng rằng tôi là kẻ hiếu thắng, luôn muốn mình phải là số một. Nhưng vấn đề thực sự chỉ là tôi hiếm khi suy nghĩ cặn kẽ trước khi phản ứng. Có một nguyên lí là: bạn phản ứng càng vội vã thì chứng tỏ bạn suy ngẫm càng ít. Nguyên lí này không phải luôn luôn đúng, nhưng cũng đạt đến mức độ thông thường.
Khi nói đến những hành động thiếu suy nghĩ, bạn thường có cảm giác đó là chuyện của người khác và chỉ người khác mới mắc phải. Nhưng không, bạn cũng có lúc hành động như vậy. Nếu anh/cô đồng nghiệp nào đó không tránh khỏi thì bạn cũng không tránh khỏi.
Tôi vẫn còn nhớ như in một kỉ niệm vào năm 2007. Tôi được mời đến phát biểu tại cuộc hội nghị của các doanh nhân tại thành phố Providence, Rhode Island. Sau lượt phát biểu của tôi là tới Richard Saul Wurman (Kiến trúc sư, nhà thiết kế kiêm tác giả nổi tiếng. Người sáng lập hội nghị TED và hội nghị EG). Đứng trên sân khấu, Richard đã dành những lời khen tặng nhiệt liệt cho bài phát biểu của tôi trước khi bắt đầu bài phát biểu của mình. Đó là một biểu hiện của lòng hào phóng, vì tôi biết rằng Richard không nhất thiết phải làm như vậy.
Richard Saul Wurman
Nhưng tôi đã làm gì? Tôi chăm chú nghe bài diễn thuyết của Richard để ghi ra hàng loạt những điểm tôi không đồng tình. Và ngay khi tìm được cơ hội nói chuyện riêng với Richard, tôi liền mang các quan điểm của mình ra để tranh cãi với ông. Nhớ lại thời điểm ấy, tôi đồ rằng trông mình phải rất giống một tên khốn trong mắt Richard.
Thế nhưng trước thái độ tiêu cực của tôi, Richard chỉ đáp trả bằng một hành động đơn giản mà thấm thía. Ông nói: “Anh bạn ơi, hãy suy nghĩ thêm 5 phút nữa.” Tôi lập tức hỏi Richard có ý gì khi bảo tôi như vậy.
Và Richard nói, có chính kiến và niềm tin mạnh mẽ vào bản thân là tốt, biết cách tư duy hai chiều và tranh luận là tốt, thế nhưng anh hãy để thông tin mà tôi cung cấp có thời gian “ngấm” vào não anh trước khi quyết định có phản đối chúng hay không. Hãy dành “5 phút” để “suy ngẫm” trước khi “phản ứng”.
Đó thực sự là khoảnh khắc có tính dấu ấn đối với tôi. Richard hoàn toàn đúng. Tôi muốn tranh cãi là để chứng minh cái tôi, chứ không phải để học hỏi điều gì cả.
Richard đã dành phần lớn cuộc đời để suy nghĩ về việc nên ứng xử thế nào khi nghe quan điểm của người khác. Ông đã tốn 30 năm. Còn tôi thì chỉ tốn vài phút. Ở thời điểm hiện tại, có thể ý kiến ông đưa ra trong cuộc hội nghị là sai và quan điểm đối lập của tôi mới là đúng, nhưng việc suy nghĩ cẩn thận trước khi phát biểu vẫn không thừa.
Ngoài ra, còn có sự khác biệt lớn giữa việc đặt câu hỏi với việc tranh cãi. Khi bạn cãi, bạn thể hiện rằng bạn đã biết/hiểu vấn đề. Khi bạn đặt câu hỏi, bạn thể hiện rằng mình muốn được biết/hiểu vấn đề. Vì vậy, hãy đặt câu hỏi nhiều nữa lên, nhưng hãy hạn chế tranh cãi.
Học cách suy nghĩ cẩn trọng trước khi hành động là một kĩ năng có ích lâu dài cho cuộc sống của bạn. Tất nhiên là việc học không dễ dàng. Thi thoảng tôi vẫn hành động nóng vội trong những chuyện cần sự cẩn thận. Nhưng tôi vui vì mình đang tốt lên từng ngày.
Nếu bạn vẫn không chắc là bài học này quan trọng, hãy nhớ đến những lời Jonathan Ive – Giám đốc Thiết kế của Công ty Apple viết về cách Steve Jobs sử dụng ý tưởng của mình trong công việc:
“Steve yêu các ý tưởng, yêu thích việc sáng tạo và đồng thời dành cho quá trình này một niềm tôn kính chân thành hiếm thấy. Hơn bất cứ ai, Steve hiểu rằng các ý tưởng rất mạnh mẽ và cũng rất mong manh. Ý tưởng rất dễ bị vuột mất, rất dễ bị tổn thương, rất dễ tan vỡ.”
Thực vậy, ý tưởng trong đầu bạn rất mong manh, rất dễ bị bỏ qua và quên lãng.
Trên đời này, có hai điều mà bạn không cần phải giỏi kĩ năng gì cũng làm được:
1. Tiêu tiền của người khác
2. Bác bỏ một ý tưởng
Bác bỏ một ý tưởng dễ dàng như vậy là vì hoạt động ấy không bắt bạn phải vận dụng đến nhiều khả năng tư duy. Bạn có thể chế giễu, có thể phớt lờ, có thể công kích một ý tưởng rất dễ dàng. Cái khó là làm sao để bảo vệ, suy nghĩ về nó; làm sao để nó thẩm thấu vào mình, để khám phá, phân tích và thử nghiệm nó.
Vì vậy, nếu bạn nghe được một thông tin mới hoặc có ai đó đang trình bày ý tưởng, quan điểm riêng của họ thì hãy tự nhắc mình rằng: “Đừng vội phản ứng, suy nghĩ thêm 5 phút đã.”
Có thể người ta sai và bạn mới là người đúng, nhưng việc suy nghĩ thấu đáo sẽ cho bạn nhiều lợi ích hơn là chỉ chứng minh được cái tôi quá lớn của mình.
Nguồn:SKCĐ – St by luu.vn