Từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta đã nhận thấy có ba loại tình yêu và cũng có đến ba từ để chỉ cùng một hiện tượng này. “Eros” là tình yêu lãng mạn, là sự ham muốn giữa những kẻ tình nhân, cả hai như bị một lực hấp dẫn cuốn hút vào nhau không thể nào cưỡng lại. “Phileo” là tình yêu bè bạn, đó là sự quan tâm chăm sóc và ngưỡng mộ nhau. “Agape” là tình yêu tuyệt đối, nó bất chấp mọi khó khăn. Nó cho đi mà không chờ đợi bất cứ cái gì đáp lại, không cần điều kiện gì. Nó chỉ muốn điều tốt nhất cho người yêu, không cần biết tới chính mình. Vậy trong ba thứ đó bạn thích thứ tình yêu nào?
Có lẽ một khi đã yêu, ai chẳng thích thứ tình cho không, biếu không. Bởi vì, yêu là cho chứ đâu phải là nhận. Khi yêu, chúng ta thường muốn cho thật nhiều, càng cho được bao nhiêu ta càng hạnh phúc bấy nhiêu. Nhưng Andrea Meyer, tác giả nhiều cuốn sách chuyên khảo về tình yêu và hôn nhân khẳng định rằng trên đời, không thể nào tồn tại được lâu thứ tình yêu một bên cứ cho và một bên cứ nhận. Người ta còn gọi là tình yêu tuyệt đối hay tình yêu vô điều kiện, thứ tình yêu chỉ có cho đi mà không cần biết mình sẽ nhận lại được gì. Có những cô gái si mê đến nỗi suốt ngày lăm lăm cái máy điện thoại chờ người yêu gọi đến trong tâm trạng bồn chồn, khắc khoải nên người yêu nói gì cũng theo, muốn gì cũng chiều.
Có chàng trai bị người yêu bỏ rơi đến mất ăn mất ngủ, không học hành hay làm việc gì được. Có người thú nhận có cảm giác như mình là nô lệ hay bị bắt làm “con tim”. Họ sống trong tâm lý bất an đến mụ mẫm cả người, trong nỗi lo sợ bị bỏ rơi, cảm thấy cuộc sống trở thành vô nghĩa khi phải tồn tại một mình.
Thực ra, bạn nên biết rằng, bạn càng lệ thuộc vào ai thì người đó càng ít quan tâm đến bạn. Khi một chàng trai biết rằng cô gái ấy đã “chết mê chết mệt” mình thì lập tức anh ta sẽ không cần chinh phục cô nữa. Cho nên để luôn có sức hấp dẫn với người yêu, bạn đừng chứng tỏ rằng thiếu anh ta bạn không sống nổi. Nếu bạn để người yêu nhận biết điều đó, họ sẽ kênh kiệu ngay. Tình yêu đòi hỏi sự bình đẳng. Tại sao ta lại phải làm điều mà mình không muốn chỉ để được người khác yêu? Có cô gái tâm sự: “Tôi không biết phải ăn mặc ra sao, để đầu tóc kiểu nào nếu chưa hỏi ý kiến anh ấy. Tôi rất sợ anh ấy chán mình”. Không ít trường hợp, sự lệ thuộc trở thành một dạng bệnh lý. Có người vợ rơi vào trầm cảm hàng năm trời từ sau khi chồng bỏ đi với người đàn bà khác, đến nỗi chị không còn cả khả năng làm mẹ để chăm sóc đứa con nhỏ của mình. Có người đàn ông phờ phạc không gượng dậy nổi sau khi vợ bỏ đi, ý nghĩ vợ mình có thể hạnh phúc trong tay một người khác làm anh ta gần như điên dại, không thể tìm ra một giải pháp nào cho cuộc đời mình, ngoài ý muốn trả thù một cách điên khùng, mù quáng, dù có phải vào tù.
Các nhà tâm lý tình yêu cho rằng, đã yêu nhau, đã là vợ chồng tất nhiên trong chừng mực nào đó không thể không lệ thuộc vào nhau nhưng đó phải là sự “đồng lệ thuộc”. Khi một bên tự ý phá vỡ sự “đồng lệ thuộc” để bứt ra khỏi mình và chạy theo một đối tượng khác thì mình có nên trở thành nô lệ của tình yêu đó không, cuộc đời mình cứ phải có họ mới tồn tại được không? Để tránh tình trạng tự biến mình thành nô lệ của tình yêu, bạn cần tôn trọng những nguyên tắc sau đây:
Tự chủ về kinh tế
Ngay từ hồi nhỏ chúng tôi đã có bài học về điều này. Đứa trẻ nào cũng cần có mẹ để thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của nó như ăn uống, an toàn. Tuổi thơ càng đầy đủ thì tính lệ thuộc càng cao, Đến tuổi trưởng thành, những “cậu ấm, cô chiêu” ấy vẫn lệ thuộc vào cha mẹ về kinh tế và tất nhiên nó sẽ kéo theo những lệ thuộc khác. Đến khi họ yêu ai, họ cũng dễ có tâm lý như vậy. Cho nên, chúng ta cần cố gắng độc lập về kinh tế trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đừng từ bỏ công việc làm ăn sinh sống của mình để bám theo một người đàn ông dù họ hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn cuộc sống đầy đủ. Nếu phải nghỉ việc vì lý do nào đó như ốm đau, sinh con thì cũng phải cố gắng xếp đặt để thời gian đó không kéo dài.
Đừng cắt đứt các mối quan hệ khác
Tất cả chúng ta đều sinh ra và lớn lên trong nhiều mối quan hệ thân thiết với cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè, người quen. Những mối quan hệ đó nâng đỡ ta rất nhiều trong cuộc sống, giúp cân bằng cảm xúc, tinh thần chúng ta. Vì vậy, khi có tình yêu, dù là tình yêu nồng thắm đến đâu, bạn cũng đừng cắt đứt những mối quan hệ đã có trước đó. Nếu không, cuộc sống của bạn sẽ trở thành đơn điệu và khi chẳng may tình yêu tan vỡ, bạn sẽ còn lại cái gì?
Tự quyết định các vấn đề của bạn
Giữa hai người yêu nhau, tất nhiên có những điểm chung, đơn giản như cùng đi xem phim, uống cà phê, cùng chung những dự định của tương lai? Nhưng như thế không có nghĩa là bạn muốn làm bất cứ việc gì đều phải “xin ý kiến” người yêu và phải vứt bỏ mọi cá tính. Bạn nên nhớ rằng khi ai đó yêu bạn chính là họ yêu cả những cá tính có khi độc đáo của bạn và bạn càng giữa được bản lĩnh của mình bao nhiêu thì người ta khác càng tôn trọng bạn bấy nhiêu. Cho nên đừng vì không muốn làm người khác phật ý mà cái gì cũng phải theo ý họ. Bởi vì nếu làm như thế dần dần bạn sẽ thành một người máy được điều khiển bởi bàn tay người yêu.
Không nên từ bỏ những thú vui riêng của mình
Nếu trước khi bước vào tình yêu, bạn có một thú tiêu khiển riêng như thích đánh bóng bàn, thích đi xem phim chẳng hạn thì dù người yêu của mình có không thích thú những trò đó, bạn cũng không nên từ bỏ những thú vui lành mạnh của riêng mình. Chúng ta không nên từ bỏ một đam mê lành mạnh vì tình yêu, vả lại một người xứng đáng để bạn yêu, không bao giờ bắt bạn phải từ bỏ những cái đó.
Đừng nhượng bộ vô điều kiện
Trong thực tế, có những người luôn nhượng bộ người yêu chỉ vì sợ tan vỡ. Có người muốn giữ trinh tiết đến đêm tân hôn nhưng chàng ra tối hậu thư cho suy nghĩ 3 ngày nếu không “chiến” sẽ cắt đứt. Vì sợ mất người yêu, cô đã chấp nhận lên giường. Có người vợ giả đui giả điếc để tránh cãi vã xung đột. Tất nhiên trong cuộc sống chung có những điều nên nhường nhịn nhưng cần có ranh giới giữa những cái chấp nhận được và những cái không thể chấp nhận được. Tục ngữ có câu “Được đằng chân lân đằng đầu”, nếu bạn cứ nhượng bộ dần từng bước thì bước cuối cùng bạn trở thành nô lệ của tình yêu lúc nào không hay.
Khi yêu, ai chẳng muốn làm mọi việc vì người yêu, làm mọi cái để người yêu hạnh phúc và qua đó ta tìm thấy hạnh phúc của chính mình. Nhưng yêu không có nghĩa là nhắm mắt làm theo mọi “chỉ thị” của người yêu, đến mức sống phụ thuộc hoàn toàn vào họ, không thể tồn tại được nếu bị họ bỏ rơi. Tình yêu như thế sẽ trở thành sợi dây trói chặt bạn đến nghẹt thở, đến không biết hạnh phúc là gì nữa.
Trong một công trình nghiên cứu, nhà tâm lý học hiện đại người Mỹ Rita Blediut đã khảo sát ở nhiều nước và rút ra kiêu yêu hiện đang cùng tồn tại trên thế gian này là tình yêu mê đắm, tình yêu hy sinh, tình yêu chơi đùa, tình yêu sở hữu, tình yêu thực dụng và tình yêu bè bạn. Hóa ra, khi người ta nói “Anh yêu em” hay “Em yêu anh”, không phải họ đều suy nghĩ giống nhau mà thường mỗi người hiểu theo một cách. Nếu cả hai cùng có suy nghĩ giống nhau thì mọi việc sẽ trở thành đơn giản, cho dẫu tình yêu của họ không bền vững thì cũng không để lại những vết thương sâu hoắm trong tim. Cho nên, nếu bạn đang yêu, trước hết phải biết mình đang yêu kiểu gì và người mà bạn yêu cũng yêu theo kiểu gì để không bị “lệch pha” và tự điều chỉnh sao cho trở thành những trái tim đồng điệu, để tình yêu đem lại hạnh phúc bền lâu cho cả hai người, chứ không chỉ một người cứ cho và người kia cứ nhận.
Nguồn hạnh phúc gia đình