Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận mà các thiết bị thông minh mang lại là những rủi ro về thất thoát thông tin cá nhân ngày càng lớn.
Phần lớn người dùng không ý thức được điều này cho đến khi xảy chuyện. Đáng ngại hơn khi tần suất các vụ hack thông tin thông qua thiết bị thông minh ngày càng dày đặc, nhưng không nhận được sự quan tâm đầy đủ của các nhà sản xuất.
Thử hình dung vào buổi sáng đẹp trời, một doanh nhân tiếng tăm với tài sản thuộc hàng top trên sàn chứng khoán đang ung dung ngắm trái goft vẽ một đường ngoạn mục trên trời sau cú đánh thì chuông điện thoại đổ liên hồi. Đầu tiên là trợ lí run rẩy thông báo nhiều clip riêng tư kèm hình ảnh nhạy cảm của sếp tại những nơi không nên khoe ra bất ngờ tràn ngập các trang mạng. Trong tâm trạng bấn loạn, kế toán trưởng lại thông báo tài khoản thuế và hệ thống chứng từ điện tử của công ty bị hack, mất toàn bộ số liệu khiến công ty đứng trước những rắc rối lớn với các cơ quan pháp luật.
Chưa hết, trưởng phòng kinh doanh đau khổ thông báo một số đối tác lớn từ chối tiếp tục đàm phán vì tình trạng “phức tạp” của công ty cũng như cá nhân ông giám đốc. Chưa kịp hoàn hồn cô thư kí riêng lại gọi đến với câu được câu mất thông báo: vợ sếp đã biết chuyện của hai người và ra tối hậu thư cho cô phải biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc đời ông nếu không muốn trở thành nạn nhân của một vụ đánh ghen lịch sử. Những âm thanh tiếp theo rất có thể là hồi còi hối hả của xe cứu thương đưa con người tội nghiệp kia vào bệnh viện vì tăng-xông.
Nếu trước đây, hẳn phải có cả ê-kíp được lập ra và phải tính bằng tháng, bằng năm để đánh úp vị doanh nhân trên với các kịch bản được dàn dựng công phu mà “đạo diễn”, “diễn viên” phải thuộc loại có hạng. Nhưng giờ đây, qua cầu nối là các thiết bị công nghệ, có thể là điện thoại, máy tính cá nhân, đồng hồ, thậm chí là TV… dĩ nhiên chúng đều phải thuộc loại “thông minh”, cộng với một số người sử dụng thành thạo các phần mềm hack là có thể mò vào tận… giường ngủ hay phòng làm việc, giữa lúc ở cách xa hàng nghìn km chỉ với một chiếc máy tính xách tay trong một góc yên tĩnh của quán cà phê bất kì.
Trên thực tế, không chỉ người giàu, mà mọi cá nhân đều có thể trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công qua các thiết bị thông minh, khi chỉ cần sở hữu ít nhất một thiết bị thuộc loại này. Ở cấp công ty, nó có thể dẫn đến giá cổ phiếu đổ dốc thảm hại khiến các ông chủ mất tiền tỉ. Với người làm công ăn lương, có thể là số tiền từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng trong thẻ tín dụng không cánh mà bay.
Trong cuộc sống số hiện nay, khi mà từ công việc đến giải trí đều phụ thuộc vào công nghệ và các thiết bị thông minh, thì các thông tin có tính riêng tư của cá nhân hay thông tin mật của tổ chức. Chỉ cần ở đâu đó, có người biết cách lợi dụng chúng vì lợi ích của họ.
Hai nhân vật trong hoạt động nghiên cứu tính bảo mật của smartTV là Aaron Grattafiori và Josh Yavor ngay trong hội nghị này đã chứng minh khả năng dễ bị hack của các mẫu smartTV hàng đầu thế hệ 2012. Trong khi đó, TV lại là một trong những sản phẩm điện tử phổ dụng nhất với 65 triệu smartTV được bán vào năm 2012 và có thể là 85 triệu chiếc trong năm 2013. Nếu các nhà sản xuất chỉ tập trung phát triển các ứng dụng sao cho hấp dẫn để bán hàng mà bỏ sang một bên vấn đề bảo mật, thì 150 triệu smartTV sẽ trở thành miếng bánh quá lớn để các nhóm hacker đánh đâu trúng đó.
Rủi ro có thể đến từ bất kì đâu, không chỉ từ các thiết bị phần cứng, mà cả hàng nghìn ứng dụng được tung ra mỗi ngày. Lí do nào khiến chúng được các nhà sản xuất phần mềm “tặng” cho người dùng miễn phí? Trong thời buổi kinh tế thị trường, hẳn nhiên, chẳng ai cho không ai cái gì! Khi sử dụng các phần mềm không thu phí, người dùng có thể đã không biết có những ứng dụng chạy ngầm bên dưới được hacker cài đặt khiến toàn bộ thông tin cá nhân, từ mã hòm thư điện tử, mã thẻ tiết kiệm đến lộ trình di chuyển, thông tin khách hàng, bạn bè và đối tác… có thể được biếu không cho bên giấu mặt.
Trong khi các nhà sản xuất có xu hướng chạy đua để tung ra các sản phẩm với mẫu mã đẹp hơn cùng vô vàn ứng dụng hấp dẫn mà điển hình là Apple, thì lại không chi đủ cho việc phát triển tính năng bảo mật, lẽ ra phải ngày càng tốt hơn. Không có vẻ đẹp bóng bẩy, trung thành với thiết kế bàn phím vật lí cũ kĩ, nhưng không phải ngẫu nhiên mà Bộ Quốc phòng Mỹ và các tập đoàn kinh tế lại chọn BlackBerry để trang bị cho các nhân viên của họ. Lí do để nhà sản xuất điện thoại đến từ Canada được tin dùng chính là khả năng bảo mật cao, có thể vô hiệu hóa nhiều chiêu thức tấn công của hacker.
Có lẽ không lâu nữa, các nhà sản xuất sẽ phải nhìn nhận lại vấn đề bảo mật một cách nghiêm túc, trước khi khách hàng của họ, từ cá nhân đến tổ chức quay lưng lại với sản phẩm chỉ vì khả năng bảo mật kém cỏi, ngay cả khi chúng có thông minh đến mấy.
Theo Sống Mới