Để vượt qua tổn thương trong quá khứ, hãy ngừng hỏi ” Vì sao?”

573

Tại sao anh ấy lại bỏ mình?

Tại sao mình phải luôn là người chủ động chuyện giường chiếu?

Tại sao mình không có được công việc ấy?

Tại sao mình không có nhiều bạn?

Mình bị sao vậy? Tại sao mình không giảm cân được chứ?

Khi một điều tồi tệ xảy ra – khi ta bị tổn thương hoặc thất vọng – thì hiển nhiên ta sẽ hỏi mình “tại sao?”. Nhưng khi những câu hỏi “tại sao?” chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí ta, trở thành những lời than vãn, oán trách, ta có nguy cơ khiến mình bị mắc kẹt trong sự thôi thúc phải tìm kiếm câu trả lời mà có lẽ sẽ không bao giờ đến. Thay vì hành động, cuộc săn lùng câu trả lời cho câu hỏi “tại sao?” trở thành một vũng cát lầy, khiến chúng ta mắc kẹt trong quá khứ.

Tôi từng làm việc với nhiều phụ nữ đã li hôn, mà nhiều năm sau, họ vẫn còn vật lộn để hiểu tại sao chồng họ lại bỏ đi. Mặc dù đã suy nghĩ rất nhiều và nói về nó đến phát ngán, họ vẫn bị mắc kẹt với niềm tin rằng nếu họ hiểu, thì họ sẽ có được tự do và bước tiếp. Nhưng cái giây phút reo lên “à há!!!” ấy không đến, và cuộc tìm kiếm bất tận khiến cho họ không thể thoát khỏi quá khứ, càng không thể có được hạnh phúc trong tương lai.

Thay vì tự hỏi “ Tại sao anh ấy bỏ mình mà đi?”, thì hãy thay bằng “ Anh ta đã bỏ mình mà đi” – Một câu nói đơn giản hướng bạn đến sự chấp nhận. Nó xác nhận rằng: “ Tôi thực sự không biết vì sao anh ta bỏ tôi, nhưng anh ta đã làm thế. Nó đã xảy ra. Nó là sự thực.”

Một khi bạn chấp nhận thực tại, bạn có thể nhìn nó bằng một cách khác. Bạn có thể bắt đầu thỏa hiệp với điểm này trong mối quan hệ của mình, và dù mong nó khác đi, bạn có thể bắt đầu nhận thấy rằng đó không phải điều tồi tệ nhất thế giới. Khi bạn cắt bỏ từ “tại sao?”, trọng tâm sẽ thay đổi.

“Tại sao mình không nhận được công việc ấy?” trở thành “ Uh, mình không nhận được công việc ấy. Giờ sao?”

“Tại sao mình không có nhiều bạn?” trở thành “Mình không có nhiều bạn. Làm sao để thay đổi điều đó?”

“Mình bị sao thế nhỉ? Sao mình không giảm cân được?” trở thành “Hình như mình không thể giảm cân được. Mình nên làm gì với sự thật ấy để thôi không còn bị ám ảnh bởi nó nữa?”

Chúng ta dành quá nhiều năng lượng xúc cảm để tìm câu trả lời cho câu hỏi khó nắm bắt “tại sao” và nó ngăn chúng ta chấp nhận sự thật, không cho ta cởi mở tâm trí để tìm giải pháp để thay đổi. Cần lòng dũng cảm để có thể từ bỏ nó và sống tiếp, thậm chí khi ta thực sự không hiểu tại sao.

Tôi rất hy vọng rằng các bạn sẽ tìm thấy lòng dũng cảm ấy để trở thành những chiến binh trong cuộc chiến giành lấy hạnh phúc của riêng mình, và không để sự thôi thúc phải trả lời cho câu hỏi “vì sao?” kiềm giữ bản thân. Hãy tập thoải mái với sự “không biết”.

Hạnh phúc là một lựa chọn mà ta phải chiến đấu để gìn giữ!

St.

Bình luận